DÒNG SỰ KIỆN. * BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG* BẤT ĐỘNG SẢN 2018

TRẦN NGUYỄN PHI LONG – Kỳ tích không xuất hiện ở vùng an toàn

PV
04/04/2022 00:00
Sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm marketing thực chiến qua nhiều ngành hàng khác nhau, Trần Nguyễn Phi Long hiện là Giám đốc Marketing Bán lẻ của một tập đoàn trang sức lớn nhất Việt Nam. Trước khi đầu quân về đây anh cũng từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn về thương mại điện tử, điện máy, thời trang và dược phẩm.

Anh Trần Nguyễn Phi Long hiện là Giám đốc Marketing Bán lẻ của một tập đoàn trang sức lớn nhất Việt Nam 

Trần Nguyễn Phi Long cái tên hầu như không quá xa lạ trong Top những người trẻ có sức ảnh hưởng trên thị trường trong ngành bán lẻ và câu chuyện làm nghề của anh là nguồn cảm hứng rất lớn đối với nhiều người đang theo đuổi con đường sự nghiệp marketing.  Được biết dù rất bận rộn nhưng anh Trần Nguyễn Phi Long vẫn nhận lời và dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng tôi.

Cuộc trò chuyện thật ý nghĩa cùng với chàng trai Việt có niềm đam mê lan tỏa và chia sẻ với cộng đồng mình làm tôi chiêm nghiệm ra nhiều điều… 

Chào anh Long, anh có thể nói rõ hơn về việc cơ duyên nào đưa anh đến với đam mê chia sẻ và lan tỏa câu chuyện nghề Marketing của mình?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Thật sự khi nói ra không biết mọi người có tin không, cơ duyên này đến rất tình cờ. Tôi nhớ khoảng đầu năm 2015, khi tôi còn đang công tác tại một Tập đoàn bán lẻ điện máy lớn, sếp tôi có lịch đi trình bày trong một hội thảo về Tăng trưởng bán lẻ, tuy nhiên đến phút chót chị có lịch đột xuất nên đã chỉ định tôi đại diện nói thay trong buổi hôm đó.

Khi nhận lời chị, tôi liều thật vì trước đây đối tượng mà tôi đã từng chia sẻ chỉ là các bạn sinh viên, đây cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội chia sẻ với những người đi làm, những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề. Câu nói của Richard Branson (Nhà sáng lập Virgin Group) cứ văng vẳng trong đầu tôi lúc đó: “If somebody offers you an amazing opportunity but you are not sure you can do it, SAY YES, then learn how to do it later!” Tạm dịch là "Nếu có ai đó trao cho bạn một cơ hội tuyệt vời nhưng bạn vẫn chưa chắc có làm được hay không, hãy cứ “ĐỒNG Ý” rồi học cách làm ngay sau đó!"

Được giao nhiệm vụ trong sự tin tưởng từ người sếp cũng là điều giúp tôi có động lực phải hoàn thành thật tốt công việc này. 

Cảm giác trong và sau buổi chia sẻ hôm ấy của anh như thế nào?

Cảm giác hồi hộp xem lẫn lo lắng vì đứng trước hơn 500 người tham dự và 30% trong số đó là các anh chị quản lý cấp cao tại nhiều Công ty Tập đoàn lớn. Lúc đó, tôi hít một hơi thật sâu và cố gắng hết sức mình, tập trung truyền tải câu chuyện và thông điệp đến mọi người một cách dễ hiểu nhất. Cuối cùng buổi hội thảo diễn ra thành công ngoài mong đợi và đó là cột mốc đánh dấu giúp tôi bắt đầu trở thành người chia sẻ chuyên nghiệp.

Sau lần chia sẻ đó, tôi cảm thấy rất hứng thú và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về con đường chia sẻ này, quả thật nó rất thú vị. Giá trị của mỗi buổi chia sẻ theo tôi là sự tương tác đa chiều thông qua việc thảo luận và cùng đào sâu mổ xẻ vấn đề. Từ đó, kiến thức; kinh nghiệm và các bài học tích lũy trong “tàng kinh các” của mỗi người được trao đổi và lan tỏa rộng hơn.

Ánh mắt nhìn chăm chú và sự tập trung lắng nghe của mọi người đã truyền cảm hứng và tạo động lực giúp tôi bước tiếp. Mỗi lần đứng trên sân khấu chia sẻ là mỗi lần được khám phá một chân trời mới về kiến thức và kinh nghiệm, mọi thứ cộng hưởng cứ đến với tôi như một món quà đến từ sự “nỗ lực”. 

Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn một trong những lần xuất ngoại chia sẻ xuyên biên giới ấn tượng nhất của mình không?

Khi chia sẻ ở trong nước tôi mất khoảng hai tuần để chuẩn bị bài trình bày, còn ở nước ngoài thì tầm một tháng. Một trong những niềm vinh dự nhất của bản thân, khi tôi là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Kinh doanh khu vực Đông Nam Á được tổ chức ở Malaysia năm 2018. 

Trong chuyến đi đó anh cần phải chuẩn bị những gì để buổi trình bày được tốt nhất?

“70% sự thành công của buổi chia sẻ đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng”. Nó không chỉ dừng việc chuẩn bị các nội dung trình bày mà còn phải biết cách quản lý thời gian hợp lý trong buổi chia sẻ nhưng phải truyền tải đầy đủ thông tin nhất. Tôi tìm hiểu kỹ về chủ đề, cập nhật thông tin, và xu hướng mới để bảo đảm phần chia sẻ chỉnh chu nhất có thể. Ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng trình bày trước đám đông thì tiếng Anh là một lợi thế của tôi.

Anh Trần Nguyễn Phi Long đại diện Việt Nam tham gia chia sẻ trong Diễn đàn kinh doanh Đông Nam Á tại Malaysia 

Vậy cảm giác của anh lần này có khác gì so với lần đầu ở Việt Nam không thưa anh?

Cảm xúc và cảm giác đứng trên diễn đàn quốc tế để chia sẻ và trình bày thật sự khác biệt với môi trường trong nước. Khi đó tôi không còn là Trần Nguyễn Phi Long đứng lên chia sẻ như mọi lần nữa mà là đại diện Việt Nam, tiếng nói của mình, trọng trách của bản thân trình bày trong buổi hội thảo hôm đó.

Chắc có lẽ cảm giác xúc động nhất là tên tôi được đứng bên cạnh quốc kì nước nhà và được giới thiệu đến từ nước “Việt Nam” của bạn MC nước ngoài, cảm giác khó tả lắm, niềm tự hào quốc gia mãnh liệt.

Anh Trần Nguyễn Phi Long (thứ 2, từ bên phải qua) đại diện Việt Nam cùng các diễn giả quốc tế thảo luận về chủ đề “Retail in Asean: A new approach” trong Hội nghị Asean Business Conference 2018 tại Malaysia

Anh đã tham gia chia sẻ ở bao nhiêu diễn đàn, hội thảo và lan tỏa trải nghiệm của mình cho bao nhiêu người rồi?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Thật sự giờ ngồi đếm cho ra con số cụ thể có thể chưa chính xác, đâu đó tôi nhớ khoảng hơn 300 hội thảo lớn nhỏ khác nhau bao gồm offline & online, cả trong và ngoài nước, chia sẻ cho hơn 20.000 người tham dự. 

Anh Trần Nguyễn Phi Long tham gia chia sẻ trong Diễn đàn “Asia - New Retail Forum 2018” tại Singapore.

Trải qua hai năm Covid tàn khốc mọi thứ dường như đứng chững lại nhưng niềm đam mê của tôi thì không bao giờ ngừng, tôi vẫn tiếp tục việc chia sẻ nhưng lần này khác ở chỗ phải thông qua màn hình và các ứng dụng để cùng trao đổi với mọi người. Mặc dù có nhiều bất lợi như không thể tương tác trực tiếp với người nghe, nhiều khi bị gián đoạn do âm thanh không rõ hoặc đường truyền không ổn định nhưng những điều đó không làm tôi chùn bước. Tôi tự lấy động lực bằng tinh thần cầu thị muốn học hỏi từ mọi người, chính vì vậy không có lý do gì khiến tôi phải ngừng việc trao đi giá trị đến cho mọi người cả.

 Anh Trần Nguyễn Phi Long tham gia chia sẻ trong Diễn đàn trực tuyến “5th Marketing Analytics Asia Summit 2021”

Anh có những có khoảnh khắc nào đáng nhớ của mình trong suốt hành trình đi chia sẻ và lan tỏa trải nghiệm nghề nghiệp của chính bản thân mình không?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Trong suốt hành trình chia sẻ tôi chưa bao giờ tự nhận mình là một diễn giả chuyên nghiệp hay nhà đào tạo huấn luyện gì cả, tôi chỉ thấy mình luôn là một người đang học và làm marketing. Sau một khoảng thời gian dài, khoảnh khắc tôi nhớ nhất là lúc ngộ ra được triết lý “Learning by sharing” tức là một trong những cách học hiệu quả là chia sẻ điều mình đã học được cho mọi người xung quanh. Tôi học từ chính những người nghe tôi nói, họ đặt những câu hỏi ở nhiều khía cạnh khác nhau, giúp tôi có cái nhìn sâu hơn và đa chiều hơn so với những gì tôi đã chuẩn bị. Thế giới marketing vô cùng rộng lớn khiến tôi không ngừng học hỏi những điều mới và thú vị. 

Anh Trần Nguyễn Phi Long tham gia chia sẻ trong Diễn đàn “Future Commerce” tại Indonesia năm 2019.

Đã có bao giờ xảy ra sự cố khi anh đang chia sẻ tại một diễn đàn nào không?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Gặp sự cố là điều không thể tránh khỏi rồi, tôi nhớ có lần trục trục kỹ thuật, màn hình trình chiếu không lên buộc tôi phải nói chay mà không có tài liệu cho người nghe, cũng nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trước mà buổi chia sẻ diễn ra tốt đẹp, ngoài ra tôi cũng tận dụng được sự tương tác và giao lưu với khán giả bên dưới nhiều hơn.

Sau buổi đó, tôi hiểu và thấm hơn về câu nói “People who know what they’re talking about don’t need Powerpoint” của Steve Jobs. Tạm dịch là “Những người họ thật sự hiểu họ đang nói gì thì không cần sử dụng Powerpoint”.

Anh Trần Nguyễn Phi Long tham gia chia sẻ trong Diễn đàn “Asean Omni-channel Retail Innovation Summit 2020” tại Thái Lan.

Được biết anh Long còn tham gia giảng dạy tại các học viện marketing và đào tạo nội bộ, tư vấn cho các doanh nghiệp lớn nữa phải không anh?

Tôi là một người rất thích học cái mới, tôi cũng chủ động đi học thêm các lớp marketing ngắn hạn, đọc rất nhiều sách về tiếp thị đồng thời trải nghiệm qua nhiều công việc marketing khác nhau và cũng từ đó bén duyên giảng dạy môn học Marketing tại các trường và học viện Marketing từ năm 2017 đến giờ luôn.

Anh Trần Nguyễn Phi Long tham gia chia sẻ các câu chuyện Marketing tại Trường Vietnammarcom từ năm 2017.

Khi công tác tại mỗi doanh nghiệp tôi đều chú trọng việc phát triển con người thông qua việc xây dựng các buổi chia sẻ nội bộ để cùng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, tôi còn tham gia chia sẻ, đào tạo, tư vấn marketing cho nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ, thương mại điện tử, bất động sản, bảo hiểm,...

Marketing là 1 ngành rất cạnh tranh, có thể nói là khác khốc liệt. Anh có gặp nhiều áp lực trong công việc không anh?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Với vai trò là một người dẫn dắt đội ngũ để cùng đạt mục tiêu chung, áp lực  là điều không thể tránh khỏi nhưng không đồng nghĩa với việc nản chí khi gặp khó khăn, thử thách. Chính áp lực đã thúc đẩy tôi luôn phải tiến về phía trước, thay đổi chính mình, tư duy khác biệt, làm mới cách tiếp cận các bài toán cần giải quyết.

Người làm marketing có 2 áp lực rất lớn phải đối mặt: áp lực về tăng trưởng (giá trị, doanh thu, sức mua, tần suất quay lại,…) và áp lực về khác biệt (sáng tạo, ý tưởng, quảng cáo, thiết kế,…).

Bản thân tôi cũng đối mặt với những áp lực này hàng ngày. Nhưng vì cũng đã có kinh nghiệm nên mình thấy quen, thậm chí khá…tận hưởng chúng, xem đó là động lực thúc đẩy bản thân tôi tiến lên trước. Trong thế giới chuyển động không ngừng, chỉ cần dừng lại thôi tức là mình đang đi lùi rồi. Những lúc như vậy, tôi hay xem lại lý do mình bắt đầu với con đường Marketing và mục tiêu nghề nghiệp, xem nó có đủ lớn lao không và còn bao lâu, bao xa nữa để mình chạm được đến nó.

Câu hỏi này hơi cá nhân chút, anh có nỗi sợ gì không anh?

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Nỗi sợ lớn nhất khi đi làm là tôi trở thành nút thắt cổ chai của tổ chức. Năng lực tối đa của một tập thể chính là năng lực của người dẫn dắt tập thể đó. Vì thế, tôi sợ bản thân trở thành rào cản của đồng đội và của cả tổ chức.

Nỗi sợ này thúc đẩy tôi phải liên tục thu nạp kiến thức, học hỏi và làm mới mình mỗi ngày. Trong môi trường biến đổi nhiều như hiện nay, không ai chờ chúng ta lớn lên cả. Luôn chủ động học hỏi không chỉ phục vụ cho sự phát triển bản thân mà còn là sự phát triển của tổ chức và của những người đồng đội của mình. 

Ngoài công việc chính tại công ty, anh là một người đam mê chia sẻ và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Động lực nào khiến anh có thể “ôm" nhiều thứ như vậy?.

Anh Trần Nguyễn Phi Long: Tôi thuộc tuýp người thích bận rộn nhưng có 2 nguyên do tôi vẫn cố gắng dành chút thời gian ít ỏi của mình để tham gia các buổi chia sẻ này.

Thứ nhất, tôi là người theo đuổi triết lý “Learning by Sharing” (Học hỏi bằng cách chia sẻ), như tôi đã có chia sẻ thông tin này ở phía trên.

Lý do thứ hai, tôi quản lý tài chính cá nhân theo nguyên tắc 6 chiếc lọ. Trong đó sẽ có 5% là phần dành cho công tác thiện nguyện và các hoạt động vì cộng đồng. Tôi thấy góp tiền thì không bao nhiêu và không giúp được nhiều người. Vậy thì sao không dành thời gian làm những việc thiết thực và trao đi giá trị nhiều hơn bằng cách chia sẻ, lan tỏa những gì mình biết cho cộng đồng.

Anh Trần Nguyễn Phi Long (đầu tiên từ bên phải qua) trong Diễn đàn “Transforming the ASEAN Retail Landscape” tại cộng đồng doanh nhân Thái Lan năm 2017

Nếu có 1 câu ngắn gọn để mô tả suốt hành trình theo đuổi niềm đam mê của mình thì anh sẽ nói câu gì?

“Kỳ tích sẽ không bao giờ xuất hiện ở vùng an toàn”

 “Kỳ tích sẽ không xuất hiện ở vùng an toàn”

Chủ đề chia sẻ của anh Trần Nguyễn Phi Long khi tham gia chương trình “Khoảnh Khắc Cuộc Đời”- HTV9

Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và luôn tự chủ động làm mới bản thân mình liên tục. Cuộc sống vốn ngắn ngủi, hãy cứ thử sức, chúng ta được quyền sai trong phạm vi cho phép để học được điều gì là đúng thật sự. Hãy luôn giữ tinh thần “luôn đón nhận các cơ hội mới và học cách làm sau đó” thì bạn mới tìm ra đâu là cái mình thật sự muốn và cần làm.

Chỉ cần chúng ta có đam mê và theo đuổi đến cùng thì chắc chắn sẽ chạm tay vào giấc mơ của mình.