DÒNG SỰ KIỆN. * BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG* BẤT ĐỘNG SẢN 2018

Trước rủi ro lạm phát, Ngân hàng Nhà nước "hút" về 33.600 tỷ đồng

dân trí
05/03/2018 13:44
Trong khoảng thời gian từ 19-23/2, Ngân hàng Nhà nước đã \"hút\" ròng 33.600 tỷ đồng từ thị trường. Động thái mau chóng \"hút\" tiền về ngay sau Tết được cho là sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, một lượng lớn tiền VND đã được bơm ra thị trường để mua vào ngoại tệ.
Lạm phát giai đoạn đầu năm nay đã diễn biến phức tạp hơn
Lạm phát giai đoạn đầu năm nay đã diễn biến phức tạp hơn

Theo một báo cáo vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, từ ngày 19/2 đến ngày 23/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không hề bơm thêm tiền vào thị trường mở. Trong khi đó, cơ quan này lại phát hành 33.600 tỷ đồng tín phiếu mới.

Hay nói cách khác, vào khoảng thời gian nói trên, NHNN đã hút ròng 33.600 tỷ đồng từ thị trường.

BVSC cho rằng, động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết cho thấy sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, một lượng lớn tiền VND đã được bơm ra thị trường để mua vào ngoại tệ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2018 đã tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,51% so với tháng 12/2017, nguyên nhân chính là do một số địa phương đã tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ y tế (tăng 2,34% so với tháng trước đó).

Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá thế giới cũng làm nhóm giao thông tăng 1,17%, gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá nói chung. Ngoài ra, giá điện sinh hoạt trong tháng 1/2018 cũng đã điều chỉnh tăng 2,64% theo kế hoạch điều chỉnh giá điện của Thủ tướng Chính phủ, làm tăng chỉ số giá nhóm nhà ở vật liệu xây dựng.

Với xu hướng này, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI tháng 2 sẽ còn tăng mạnh do đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng và giá cả hàng hóa thường tăng mạnh.

Trong khi đó, về mặt điều hành, mới đây, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ lạm phát, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đề xuất một số biện pháp điều hành giá, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, dịch vụ y tế (không thuộc Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán), dịch vụ giáo dục y tế, giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, giá thuốc chữa bệnh cho người và giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Với mặt hàng xăng dầu, Cục Quản lý giá đề nghị sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp, giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu lên cao trong thời điểm trước, trong và nhất là sau Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.

Đối với điện, đơn vị này đề xuất đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/12/2017 đến CPI các tháng đầu năm 2018, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý ăn theo giá điện…