DÒNG SỰ KIỆN. * BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG* BẤT ĐỘNG SẢN 2018

Mặt phù nề, người bứt rứt vì tự mua thuốc trị sốt, đau đầu

Dân trí
08/02/2018 15:05
Bị sốt cao, đau đầu nữ bệnh nhân ra hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều trị. Khoảng 2 ngày sau khi sử dụng thuốc, cơ người bệnh bị nổi mề đay, gương mặt phù nề.

Tai họa trên xảy đến với chị Trần Thị Hoàng H. (28 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Được biết trước đó, chị có biểu hiện đau đầu, sốt nên ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều trị.

Sau khi uống 2 liều thuốc, cơ thể chị H. xuất hiện cảm giác bứt rứt khó chịu, nhiều vùng da nổi vết mẩn đỏ rồi nhanh chóng lan rộng khắp cơ thể, gương mặt chị bị phù nề, biến dạng.

\r\nToàn thân bệnh nhân đã bị nổi mẩn, mưng mủ do dị ứng thuốc\r\nToàn thân bệnh nhân đã bị nổi mẩn, mưng mủ do dị ứng thuốc

Khi được đưa đến bệnh viện địa phương, bác sĩ đã kê toa thuốc trị sởi. 2 ngày tiếp theo bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng diễn tiến theo chiều hướng nguy hiểm. Những vùng nổi mẫn đỏ ngày càng nhiều, đồng thời chuyển sang mưng mủ với cảm giác ngứa, đau ê ẩm.

Ngày 31/1, bệnh nhân đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Tại đây, bác sĩ xác định người bệnh bị dị ứng thuốc (nghi ngờ dị ứng nhóm kháng sinh cephalosporin).

Ngày 7/2, BS Nguyễn Viết Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho hay: Sau nhiều ngày được chăm sóc, điều trị tích cực bệnh nhân may mắn thoát khỏi tình trạng sưng tấy, nhiễm trùng da, sức khỏe dần ổn định.

Cũng theo BS Hợi, những trường hợp dị ứng và có phản ứng thuốc như bệnh nhân H. nếu không điều trị kịp thời và hướng điều trị không đúng có thể gây suy thận cấp, suy gan cấp, nặng hơn có thể dẫn đến suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Tình trạng dị ứng thuốc nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng
Tình trạng dị ứng thuốc nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng

Để tránh nguy cơ gặp phải tình trạng trên, bác sĩ khuyến cáo cộng động: không tự ý mua thuốc. Những người có tiền căn dễ bị dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, cơ địa dị ứng phải báo cho bác sĩ khi đi khám bệnh, và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị.

Những trường hợp dùng thuốc, nếu cơ thể bị nổi mề đay, ngứa hoặc tức ngực, khó thở phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được bác sĩ hỗ trợ chuyên môn, mọi sự chủ quan có thể làm bệnh diễn biến nặng và khó điều trị.

Nếu người bệnh có tiền sử dị ứng 1 số thành phần của thuốc, người bệnh biết rõ thì nên cung cấp thông tin cụ thể cho bác sĩ lúc thăm khám, điều trị để lưu ý. Trường hợp dùng thuốc đông y thì nên uống thuốc tây cách ít nhất 2 giờ và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

TAG: